(PL)- Thừa phát lại đang từng bước khẳng định vai trò, đang dần tạo vị thế vững chắc, tạo chỗ đứng quan trọng trong đời sống xã hội, chứng minh chủ trương xây dựng và phát triển thừa phát lại  là hoàn toàn đúng đắn.

Ngày 25-8 tới, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) Trung ương sẽ họp tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này theo Nghị quyết số 36 ngày 23-11-2012 của Quốc hội. Theo Bộ Tư pháp, đã có 13 tỉnh, thành thực hiện thí điểm TPL là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Đến nay đã có 53 văn phòng TPL được thành lập, trong đó một nửa được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh, một nửa theo hình thức doanh nghiệp tư nhân.

TPL đã thực sự trở thành một nghề

Về tổng thể, qua thời gian thực hiện thí điểm ở các địa phương cho thấy lực lượng TPL hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện các hoạt động tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án (THA) và trực tiếp tổ chức THA.

Dù còn đang thí điểm với thời gian thực hiện chưa dài nhưng đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ tại các văn phòng TPL về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu công việc, đang hoàn thiện và không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Ở một số nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…, nguồn nhân lực của các văn phòng TPL khá mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương đi đầu với một số văn phòng TPL hoạt động từ trước khi có Nghị quyết số 36-2012. Đây cũng là nơi mà TPL được sự quan tâm rất lớn của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Hai TPL Văn phòng TPL quận 1 (TP.HCM, bìa phải) đang lập vi bằng về việc thu hồi mặt bằng. Ảnh: T.TÙNG

Đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức bốn lớp tập huấn để bổ nhiệm TPL với 458 học viên tham gia và đều được cấp chứng chỉ. Bộ cũng đã bổ nhiệm 260 TPL, tất cả đều đang tác nghiệp tốt. Hằng năm, Bộ cũng có nhiều lớp tập huấn cho các cơ quan chức năng như UBND, Sở Tư pháp, TAND, VKS... thực hiện thí điểm. Đã có 20 lớp tập huấn nghiệp vụ cho các TPL và thư ký nghiệp vụ với sự tham gia hỗ trợ của chuyên gia Pháp. Điểm nổi bật là các địa phương cũng chủ động tổ chức tập huấn, tọa đàm, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện. Sở Tư pháp, tòa án, cơ quan THA dân sự các nơi cũng thường xuyên hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho TPL.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà TPL ngày càng được người dân biết đến rộng rãi. Nhiều báo, đài đã đăng tải bài viết, mở chuyên mục, chuyên đề, giao lưu trực tuyến... về TPL. Mặt khác, bản thân các văn phòng TPL lại cũng chủ động thông tin, quảng bá hình ảnh của mình. Mỗi dịp sơ kết, tổng kết, các tỉnh, thành đều mở đợt cao điểm tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú...

Kết quả tổng kết cho thấy TPL đã thực sự trở thành một nghề, một chế định bổ trợ tư pháp mới được người dân và xã hội đón nhận. TPL đang từng bước khẳng định vai trò của mình, đang dần tạo vị thế vững chắc, tạo chỗ đứng quan trọng trong đời sống xã hội, chứng minh chủ trương xây dựng và phát triển TPL là hoàn toàn đúng đắn.

Những thành tựu nổi bật

Về hoạt động tống đạt văn bản, số lượng và chất lượng văn bản TPL tống đạt tăng theo từng năm (ở TP.HCM, từ năm 2011 đến nay mỗi năm tăng trung bình gần 20.000 văn bản). Sự năng động trong việc tống đạt của các văn phòng TPL đã từng bước đáp ứng yêu cầu của tòa án và cơ quan THA dân sự. Khối lượng tống đạt trung bình hơn 100.000 văn bản/năm ở cả 13 địa phương là một minh chứng cụ thể.

Về hoạt động lập vi bằng, đây chính là thế mạnh của TPL được người dân ủng hộ, đón nhận nhanh, tạo doanh thu cao. Số lượng vi bằng do các văn phòng TPL lập năm sau luôn gia tăng đáng kể so với năm trước. Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực như ghi nhận việc thực hiện giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng; ghi nhận hành vi, lời trình bày, thời điểm xảy ra sự việc; ghi nhận việc bàn giao tài sản, giấy tờ... Thực tế cho thấy TPL hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong việc tạo lập chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi xảy ra tranh chấp cũng như thực hiện các giao dịch hợp pháp.

Về hoạt động xác minh điều kiện THA, bước đầu cho thấy hiệu quả với tỉ lệ thành công tới 99,48%. Những thông tin về điều kiện THA của đương sự do TPL cung cấp đã giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, giúp cơ quan THA dân sự có thêm cơ sở đưa ra phương thức tổ chức THA phù hợp. Trung bình mỗi năm, các văn phòng TPL ở TP.HCM thực hiện được khoảng 77 vụ. Tại 12 địa phương khác, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng kết quả đạt được trong hoạt động này cũng khá tốt (392 vụ việc).

Cuối cùng là hoạt động trực tiếp tổ chức THA. Theo quy định, TPL được quyền trực tiếp THA theo đơn yêu cầu của đương sự với những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan THA dân sự cấp huyện. Dù số lượng việc THA của TPL còn thấp nhưng tỉ lệ thành công cao, đặc biệt TPL đã thực hiện rất tốt việc thuyết phục đương sự, hạn chế tối đa việc phải áp dụng đến biện pháp cưỡng chế THA. Hoạt động này của TPL bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội (có văn phòng TPL ở TP.HCM đã thi hành được những vụ việc có giá trị đặc biệt lớn).

 

Nhu cầu mở rộng

Hiện nay, tại TP.HCM và Hà Nội đã xuất hiện thêm nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp, cơ quan hành chính trong việc tống đạt văn bản, thông báo mang tính chất dân sự (thông báo đòi tài sản, đơn phương chấm dứt hợp đồng…) hoặc mang tính chất hành chính (thông báo việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa…). Cạnh đó, các tổ chức trọng tài thương mại cũng có nhu cầu nhờ TPL tống đạt thông báo, quyết định của mình và tin tưởng đề nghị TPL trực tiếp tổ chức thi hành các phán quyết của họ. Tuy nhiên, TPL chưa thể đáp ứng được các yêu cầu trên vì không thuộc thẩm quyền.

Vì vậy, trong các hội nghị, hội thảo về TPL, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị khi thực hiện chính thức TPL thì cần cho TPL được tống đạt các văn bản dạng này, đồng thời tống đạt cả văn bản của các cơ quan như CQĐT, VKS, thanh tra... để giúp các cơ quan này giảm tải áp lực công việc. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cho TPL được trực tiếp tổ chức thi hành các phán quyết của trọng tài thương mại...

Số liệu các hoạt động của TPL

Tính đến ngày 31-7-2015, các văn phòng TPL trong cả nước đã tống đạt 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện THA 781 việc, trực tiếp tổ chức THA 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu hơn 119 tỉ đồng.

(Theo thống kê của Bộ Tư pháp)

THANH TÙNG

Nguồn: Phapluatthanhpho.vn-copnhattrennet